Thông tin của bạn đã được ghi nhận, chuyên viên tư vấn sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất. Cảm ơn bạn đã quan tâm dịch vụ của chúng tôi
Khách sạn gần Nhà Thờ Đổ - Nam Định
Ở Sài Gòn, nhiều nơi đã được đô thị hóa từ lâu nhưng mức sống của người dân vẫn khác nhau. Ở Quận 1, 3 và 10, dễ làm cho người ta hiểu đó là khu “nhà giàu”, một số nơi của các quận còn lại, có nhiều dân nhập cư nên ít nhiều cũng bị một chút xô bồ, một chút nhốn nháo của phố phường.
Đi vào con đường có nhà thờ Gia Định ở Phường 2, Quận Bình Thạnh, dân cư đông đúc biểu hiện một nhịp sống lao động không kém phần vật chất.
Một trăm năm trước, từ Sài Gòn nếu đi qua cầu sắt Đa Kao bắc ngang rạch Cầu Bông, (nay là cầu bêtông Bùi Hữu Nghĩa) ta thoáng thấy một xóm nhà nằm rải rác trong những vườn chuối um tùm và vườn cau mênh mông, với khá nhiều sông ngòi và đầm lầy bao quanh: đó là Họ Cầu Bông – Gia Định.
Nguồn gốc họ đạo này cũng giống như phần lớn các họ đạo ở vùng Sài Gòn ngày xưa. Khoảng năm 1860, một số anh chị em giáo dân mà phần lớn từ miền Đông Nam Bộ như Búng, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một… (là những họ đạo lâu đời có nhiều tín hữu) do gặp khó khăn trong đời sống đức tin, đã phải rời bỏ nhà cửa ruộng vườn, nơi chôn nhau cắt rốn để tìm nơi ẩu náu cho qua lúc khó khăn. Có thể nói, lúc bấy giờ, Gia Định là vùng “đất hứa”, được coi là nơi trú ẩn an toàn cho những giáo dân đang bị bách hại.
Sau nhiều thăng trầm, một số gia đình đã đến định cư gần cầu Rạch Bông, rồi giáo dân từ những nơi khác cũng đến lập nghiệp, nhiều người cất nhà trên những vùng đất bỏ hoang. Lúc đó, dưới thời Đức cha Dominique Lefèbvre, cha sở Họ Thị Nghè là Antôn Võ Ngọc Triêm (1860-1867) kiêm nhiệm Họ Cầu Bông đã cất một nhà nguyện sát bên con rạch. Khi rạch bị lở, nhà nguyện được dời đến chỗ đối diện Lăng Ông. Sau đó, do hương chức làng Bình Hòa yêu cầu, nhà thờ được dời đến địa điểm hiện nay (280 Bùi Hữu Nghĩa, Phường 2, Quận Bình Thạnh).
Ngôi nhà thờ Gia Định hiện nay là do cha Phanxicô Trần Công Mưu đứng ra xây dựng với sự góp sức của ông kỹ sư Nguyễn Hữu Nhiêu con rể ông Trương Vĩnh Ký, một cựu chủng sinh quê ở Cái Mơn, là một trong mười tám nhà bác học ở thế kỷ XIX. Đức cha Jean Depierre đã bổ nhiệm cha Lambert làm cha sở đầu tiên của họ Cầu Bông – Gia Định vào năm 1897, như vậy, cách đây 112 năm, Họ Cầu Bông – Gia Định chính thức được nâng lên thành giáo xứ.
Trước kia, Sài Gòn và Chợ Lớn là hai thành phố, từ năm 1931 được sáp nhập làm một, gọi là vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, trong đó có tỉnh Gia Định (gồm bốn quận là Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè, Thủ Đức), Họ Cầu Bông – Gia Định thuộc Quận Gò Vấp. kể từ năm 1934, Họ Cầu Bông – Gia Định được Tòa Giám mục chính thức đổi tên thành Họ Gia Định.
Họ Đạo Trưởng Thành Qua Dòng Thời Gian
Cho đến nay, giáo xứ có 12 cha sở coi sóc. Mỗi người một vẻ:
– Cha sở thứ nhất Lambert xây dựng dọ đạo theo truyền thống đã có trong Hội Thánh từ hàng ngàn năm qua.
– Cha sở thứ hai Desseaume lo xây dựng trường học và cho đào một lạch nhỏ nối rạch Cầu Bông với Chợ Bà Chiểu để giảm ngập và nâng cao nhà thờ, ngày nay con lạch vẫn còn và chảy ngang Phường 1, Bình Thạnh.
– Cha sở thứ ba Phaolô Nguyễn Văn Qui là người học cao biết rộng, viết nhiều sách hướng dẫn về tu đức cho chủng sinh, đặc biệt nhất là những bài thánh ca đầu tiên bằng tiếng Việt, rất có giá trị, đem lại cho cộng đồng Dân Chúa niềm vui trong Phụng vụ.
– Cha sở thứ tư Bosvieux chỉ trông coi họ đạo có 14 tháng.
– Cha sở thứ năm chính là Phaolô Qui, trở lại coi sóc xứ đạo lần thứ hai, chính sự nhiệt thành của người mục tử thánh thiện tạo cho cộng đoàn giáo dân một đà tiến mới trong đời sống đức tin.
– Cha sở thứ sáu là cha Phanxicô Binh, coi sóc xứ đạo trong 2 năm (1915-1916)
– Cha sở thứ bảy Tôma Nguyễn Khoa Thi đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao trình độ văn hóa và củng cố đời sống đạo đức của giáo dân bằng nhiều cách như cho diễn tuồng Thương Khó và cuộc đời các thánh.
– Cha sở thứ tám Phanxicô Xaviê Trần Công Mưu cho xây dựng ngôi nhà thờ đồ sộ như hiện nay. Khi nhà thờ vừa xây xong, cha qua đời và được an táng dưới tháp chuông nhà thờ.
– Cha sở thứ chín Giacôbê Huỳnh Văn Của vừa tiếp tục hoàn thành việc xây dựng nhà thờ do cha sở tiền nhiệm khởi xướng vừa mở trường học trong 12 năm phục vụ.
– Cha sở thứ mười là linh mục Micae Nguyễn Khoa Học coi sóc giáo xứ khoảng từ cuối năm 1957 đến năm 1961, tuy thời gian làm cha sở Gia Định không dài nhưng ngài cũng cố gắng củng cố đời sống đức tin của cộng đoàn Dân Chúa ở đây.
– Cha sở thứ mười một Antôn Phùng Quang Mạnh đã đưa giáo xứ đến thời hoàng kim trong thời gian dài phục vụ.
– Và hiện nay, cha chánh xứ đương nhiệm Inhaxiô Hồ Văn Xuân vẫn nỗ lực không ngừng để xây dựng họ đạo.
Cha sở Inhaxiô Hồ Văn Xuân cho biết, thời hoàng kim của giáo xứ Gia Định là thời gian cha sở Antôn Phùng Quang Mạnh coi sóc (1961-2004) vì trong 43 năm phục vụ giáo xứ, cha đã làm được nhiều việc hữu ích cho cộng đoàn Dân Chúa nơi đây: số giáo dân tăng lên đến 12 ngàn người. Ngài xây dựng ba nhà thờ: Thánh Giuse Thợ, Thánh Mẫu 3, Đức Mẹ Lên Trời và xây dựng trường kỹ thuật.
Hiện nay, bên trong khuôn viên Nhà thờ Gia Định có một trường học, tuy đang được Nhà nước quản lý nhưng đó chính là ngôi trường Bossuet do cha sở thứ chín Giacôbê Huỳnh Văn Của lập ra. Sau đó cha Antôn Mạnh cho xây lại, đặt tên là Thánh Mẫu dành cho học sinh trung học và tiểu học. Việc hiến ngôi trường trong khuôn viên nhà thờ cho Nhà nước quản lý, ban đầu có nhiều căng thẳng, hiểu lầm nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nhà thờ và nhà trường đã sống chung “vui vẻ hòa bình”.
Đức tin của giáo dân còn sống động qua tình thương đối với mọi người, cụ thể là các công trình từ thiện bác ái đáng ghi nhận như mở phòng khám bệnh, phát thuốc miễn phí; trường khuyết tật Gia Định dạy các em chậm phát triển; các lớp tình thương; học bổng cho học sinh; thường xuyên thăm người bệnh, già cả, liệt lào, chia quà cho người nghèo dịp lễ Tết…
Nối tiếp những thành quả tốt đẹp đó, cha sở Inhaxiô và giáo dân còn sắp xếp giúp các cha xứ vùng sâu xây nhà thờ, xây cầu, cho xuồng máy vùng U Minh (Cà Mau). Đặc biệt cha mở lớp Thánh Kinh chuyên biệt kéo dài nhiều năm, giúp giáo dân tìm hiểu chuyên sâu về Tân Ước – Cựu Ước; còn lớp Phụng vụ Bí tích giúp giáo dân hiểu thêm về Phụng vụ, cách riêng là Phụng vụ Thánh lễ và giáo xứ còn có những sinh hoạt mục vụ rất đa dạng và sống động.
Đối với cha Inhaxiô Hồ Văn Xuân, nếu nói về vị trí cha sở giáo xứ Gia Định thì ít ai biết đến nhưng ở một vị trí phục vụ tại Tòa Tổng Giám mục thì tên của cha khá quen thuộc đối với nhiều người trong giáo phận. Từ năm 1975, cha đã hiện diện tại Nhà thờ Gia Định, mười năm sau, cha là phó văn phòng và phụ tá quản lý của Tòa Tổng Giám mục, là thư ký riêng của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình với tất cả sự thân thương khi chăm sóc sức khỏe, chia sẻ buồn vui, những công việc lớn bé đột xuất…Hiện nay cha vẫn trợ giúp Đức Hồng y trong văn phòng Tòa Tổng Giám mục và quản lý Tổng Giáo phận cũng như sắp xếp các chuyến đi, đón tiếp các phái đoàn.
Và từ năm 1990 đến nay, cha là Giám đốc Trung tâm Công giáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Khi trông coi cơ sở này, cha đã tạo nhiều điều kiện giúp đỡ quý linh mục từ các giáo phận Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Bà Rịa, Xuân Lộc, Đà Lạt…đổ về Thành phố Hồ Chí Minh tạm trú để học ngoại ngữ, chuẩn bị đi du học. Cha luôn ân cần đón tiếp quý đức cha ở giáo phận khác có công việc tại thành phố và luôn sẵn sàng giúp đỡ các ngài khi cần.
Cha cho biết, từ trong thâm tâm, cha cảm thấy mình có niềm vui và hạnh phúc khi được phục vụ cộng đoàn Dân Chúa.
Hiện nay, cha đang bận rộn xây dựng Nhà Hành Hương của Tổng Giáo phận TP. Hồ Chí Minh ở Bãi Dâu (Vũng Tàu), mà chịu trách nhiệm chính là cha Tổng Đại diện GB. Huỳnh Công Minh, cha Đinh Tất Quý cùng cha có nhiệm vụ thực hiện công trình. Đây là công trình để mừng Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình 100 tuổi vào ngày 01/9/2010. Đây cũng là lời trăn trối của Đức cố Tổng Phaolô trên giường bệnh tại bệnh viện Thống Nhất muốn nhờ cha Antôn Mạnh và cha Inhaxiô thực hiện.
Một giáo xứ có đến 9.000 người mà giáo dân vừa là thành phần lao động, vừa xen lẫn thành phần trí thức giữa một khu dân cư đông đúc, triều cường vẫn lên xuống liên miên; một vài cơ sở từ thiện bác ái trong cả vòng tay giáo xứ…là một trách nhiệm khá nặng nề nhưng cha sở và giáo dân Gia Định vẫn vui sống trong tâm tình yêu thương và phục vụ.